Sản lượng toàn cầu trong quý II/2020 thấp hơn 10% so với cuối năm 2019. Mức độ và thời gian ảnh hưởng khác nhau ở các nền kinh tế lớn, nhưng tất cả đều chứng kiến sự suy giảm mạnh ở hầu hết mọi hoạt động kinh tế khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nghiêm ngặt chưa từng có.
Thương mại toàn cầu giảm hơn 15% trong nửa đầu năm 2020, và thị trường lao động bị gián đoạn nghiêm trọng do cắt giảm giờ làm, mất việc làm và các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa.
Nếu không có chính sách hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả được áp dụng ở tất cả các nền kinh tế để giảm bớt tác động của cú sốc dịch bệnh đối với thu nhập hộ gia đình và các công ty, thì sản lượng và việc làm sẽ giảm mạnh hơn nữa.
Sản lượng thậm chí đã sụt giảm trên 20% ở một số nền kinh tế châu Âu và Ấn Độ, nơi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đặc biệt nghiêm ngặt. Các nền kinh tế tương đối phụ thuộc vào du lịch và các hoạt động khác của ngành dịch vụ đòi hỏi sự tương tác xã hội cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngược lại, một sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến đã diễn ra ở Trung Quốc, với hoạt động nhanh chóng trở lại mức trước đại dịch vào cuối quý II năm 2020, được thúc đẩy bởi đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ. So sánh trực tiếp tác động của việc ngừng hoạt động giữa các quốc gia bị cản trở bởi sự khác biệt về thời gian và mức độ của các biện pháp ngăn chặn và các phương pháp thống kê được sử dụng để ước tính những thay đổi trong các dịch vụ phi thị trường, chẳng hạn như giáo dục và chăm sóc sức khỏe, trong thời gian ngừng hoạt động. Tuy nhiên, với một vài ngoại lệ, những quốc gia có mức cắt giảm lớn nhất trong tiêu dùng tư nhân cũng có mức giảm GDP lớn nhất trong quý II năm 2020, cho thấy sản lượng giảm phần lớn là do tiêu dùng hộ gia đình yếu hơn.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung, thương mại và logistics nói riêng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm khả năng dịch bệnh bùng phát trở lại, tác động đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như mức độ hỗ trợ của chính phủ để giữ việc làm và thúc đẩy nhu cầu.
Chính sách hỗ trợ của các chính phủ cần được tiếp tục, nhưng cần trở nên có mục tiêu hơn và đủ linh hoạt để thích ứng với các điều kiện thay đổi. Các nhà hoạch định chính sách cần thuyết phục mọi người rằng họ đang nỗ lực cải thiện cuộc sống và tạo cơ hội cho tất cả mọi người. Để làm được điều đó, cần tăng cường hợp tác toàn cầu để duy trì thương mại xuyên biên giới và dòng chảy tự do của thương mại. Đây là điều kiện cho sự phục hồi thực sự của sản xuất, việc làm và thu nhập cho số đông.
Sản lượng toàn cầu sụt giảm trong nửa đầu năm 2020 do đại dịch COVID-19, với mức giảm hơn 20% ở một số nền kinh tế phát triển và thị trường mới nổi. Nếu không có những hỗ trợ chính sách nhanh chóng và hiệu quả ở tất cả các nền kinh tế, GDP về cơ bản sẽ giảm mạnh.
Sản lượng dần tăng sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế và việc mở cửa trở lại của các doanh nghiệp, nhưng một số động lực cho tăng trưởng đã không đạt như kỳ vọng trong quý II/2020.
• Chi tiêu của các hộ gia đình đối với nhiều hàng hóa lâu bền đã tăng trở lại tương đối nhanh, nhưng chi tiêu cho dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ đòi hỏi sự gần gũi giữa người lao động và người tiêu dùng hoặc du lịch quốc tế vẫn giảm.
• Số giờ làm việc đã giảm đáng kể ở hầu hết các nền kinh tế, do đó chính phủ buộc phải trợ cấp để duy trì thu nhập hộ gia đình.
• Đầu tư doanh nghiệp và thương mại quốc tế vẫn còn yếu, kìm hãm sự phát triển của sản xuất chế tạo ở nhiều nền kinh tế định hướng xuất khẩu.
Triển vọng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc chủ yếu các giả định về diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và các phản ứng chính sách trong ngắn và trung hạn.
• Các dự báo giả định rằng các đợt bùng phát dịch bệnh sẽ tiếp tục, và được giải quyết bằng các biện pháp can thiệp có mục tiêu tại địa phương chứ không phải là các đợt bùng phát trên quy mô toàn quốc; việc tiêm phòng sẽ không được phổ biến rộng rãi cho đến cuối năm 2021.
• GDP toàn cầu dự kiến sẽ giảm 4,5% trong năm nay, trước khi tăng 5% vào năm 2021. Mức sụt giảm trong năm 2020 thấp hơn dự kiến, mặc dù đang là kỷ lục trong lịch sử gần đây. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia, theo đó so với tháng 4/2020, dự báo được điều chỉnh tăng cho trường hợp kinh tế của Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu, nhưng lại được điều chỉnh giảm ở Ấn Độ, Mexico và Nam Phi.
• Ở hầu hết các nền kinh tế, mức sản lượng vào cuối năm 2021 được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp hơn cuối năm 2019 và yếu hơn đáng kể so với dự báo trước đại dịch, cho thấy rủi ro về tổn thất lâu dài do đại dịch Covid-19.
• Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt vào cuối năm nay, niềm tin kinh doanh được cải thiện có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế trên toàn cầu vào năm 2021. Ngược lại, nếu các chương trình vacxin không hiệu quả và dịch bệnh tái bùng phát trên diện rộng, đòi hỏi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nghiêm ngặt hơn, sản lượng có thể giảm tới 2-3 điểm phần trăm trong năm tới, với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và thời gian đầu tư yếu kém kéo dài.
Các chính sách hỗ trợ kinh tế và thương mại cần được duy trì để tạo lập niềm tin và hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, nhưng cần thực hiện theo các điều kiện kinh tế cơ bản. Cụ thể như sau:
• Nhiều ngân hàng trung ương đã tuyên bố nới lỏng chính sách hơn nữa trong ba tháng qua và những thay đổi trong khuôn khổ chính sách đang được đưa ra một cách phù hợp để thuyết phục các nhà đầu tư rằng lãi suất chính sách sẽ được giữ ở mức thấp trong thời gian dài. Hỗ trợ tài khóa cần được theo đuổi vào năm 2021 và các thông báo gần đây ở nhiều quốc gia về các biện pháp tài khóa bổ sung được hoan nghênh; nhưng cũng cần có thận trọng về ngân sách vào thời điểm các nền kinh tế vẫn còn rủi ro.
• Chính sách tài khóa cần tạo điều kiện cho những điều chỉnh cần thiết đối với các chương trình khẩn cấp quan trọng - bao gồm các chương trình duy trì việc làm và các biện pháp hỗ trợ thu nhập - để hạn chế tổn thất kéo dài từ cuộc khủng hoảng và khuyến khích tái phân bổ nguồn lực cần thiết theo hướng mở rộng các lĩnh vực khả thi nhất.
• Tăng cường hợp tác toàn cầu để duy trì biên giới mở và dòng chảy tự do của thương mại, đầu tư và thiết bị y tế là điều cần thiết để giảm thiểu và ngăn chặn dịch bệnh trên thế giới và tăng tốc phục hồi kinh tế.
Nguồn: http://logistics.gov.vn/